Các Hãn quốc Duy Ngô Nhĩ, Cát La Lộc và Tây Liêu Mông_Cổ_xâm_lược_Trung_Á

Các dân tộc Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), Cát La Lộc (Karluk), Đột Quyết (Turk) và Tháp Cát Khắc (Tajik) bản địa đã phục tùng người Mông Cổ. Năm 1210, Ba Nhi Truật A Nhi Thải Đích Cân (Baurchuk Art Tekin), người Duy Ngô Nhĩ, cai trị Cao Xương Hồi Cốt (Kara-Khoja), đã trình diện trước Đại hãn Mông Cổ và tuyên thệ đồng minh với người Mông Cổ.[1] Ông ta được Thành Cát Tư Hãn gả một công chúa cho, và người Duy Ngô Nhĩ đã trở thành những chư hầu dưới quyền người Mông Cổ. Một lãnh đạo của người Cát La Lộc và người Khả Tát (Khazar), lãnh chúa của lưu vực sông Chuy, đã theo gương người Duy Ngô Nhĩ.

Tây Liêu là vương quốc của những người Khiết Đan của nhà Liêu (907 - 1125) đã bị người Nữ Chân nhà Kim đánh bật ra khỏi Trung Hoa. Năm 1124, một số người Khiết Đan chạy phía tây dưới sự lãnh đạo của Da Luật Đại Thạch và thành lập Tây Liêu giữa Semirechye và sông Chuy. Họ làm chủ Trung Á vào thế kỉ 12 sau khi tiêu diệt Ahmed Sanjar, chỉ huy quân của đế quốc Đại Seljuq trong trận Qatwan. Tuy nhiên, quyền lực của họ bị tan rã từ năm 1211 bởi những hoạt động phối hợp giữa Muhammad II nhà Khwarezm-Shah (1200 - 1220) và Khuất Xuất Luật (Kuchlug), một hoàng tử tị nạn người Nãi Man (Naiman), chống lại người Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn. Khuất Xuất Luật sau được người Tây Liêu che chở, nhưng ông ta cuỗi cùng đã chiếm ngôi cúc nhi hãn (gurkhan) của Da Luật Trực Lỗ Cổ vào năm 1211.[2]

Khuất Xuất Luật tấn công thành A Lực Ma Lý (Almaliq), và người Cát La Lộc ở đó là chư hầu của người Mông Cổ nên đã kêu gọi Thành Cát Tư Hãn giúp đỡ.[3] Năm 1216, Thành Cát Tư phái tướng Triết Biệt (Jebe) đánh Khuất Xuất Luật. Người Mông Cổ đánh bại Tây Liêu ở Bát Lạt Sa Cổn (Balasaghun), Khuất Xuất Luật chạy trốn, song vẫn bị giết vào năm 1218.[4]